Friday, May 18, 2018

Lập trình viên nên biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống - Phỏng vấn Nguyễn Thành Đạt

Cùng đọc bài phỏng vấn của TechMaster với bạn Nguyễn Thành Đạt, hiện đang là một lập trình viên iOS tại công ty phần mềm Atlassian; để nghe Đạt chia sẻ về:
  • Cơ duyên nào mà Đạt lại gắn bó với công nghệ lập trình iOS
  • Tầm quan trọng của các dự án thực tế đối với học viên iOS tại TechMaster
  • Giới thiệu về văn hóa của các công ty mà Đạt đã và đang làm việc như VNG và Atlassian
  • Ngôn ngữ lập trình mà các công ty phát triển ứng dụng iOS hiện đang sử dụng nhiều
  • Những bí quyết để cân bằng giữa công việc và cuộc sống của một lập trình viên
Học lập trình iOS bằng ngôn ngữ lập trình nào
 Đạt tham gia cuộc thi chạy 70km đường núi tại Sapa trong 14h
Chào Thành Đạt, bạn có thể giới thiệu với độc giả đôi chút về bản thân?
Chào các bạn độc giả, mình tên là Nguyễn Thành Đat, học viên lớp iOS khoá 4 tại TechMaster, từng làm lập trình viên tại TechMaster trong khoảng thời gian 2 năm. Cho tới nay mình đã gắn bó với công nghệ iOS được gần 4 năm, và hiện tại đang làm cho Atlassian, một công ty phần mềm của Úc. Mình đã lập gia đình và đang nuôi một chú mèo Xiêm Thái tên là Mốc (câu này vợ mình yêu cầu thêm vào ^^).
Hiện tại Đạt đang là một lập trình viên iOS. Bạn có thể chia sẻ với độc giả cơ duyên nào bạn lại gắn bó với công nghệ này?
Việc trở thành một lập trình viên iOS đến với mình một cách rất tự nhiên. Đó là một kỳ nghỉ hè của mình tại NIIT, trong thời gian rảnh rỗi mình quyết định đi tìm khoá học lập trình để “nâng cao tay nghề”. Sau một thời gian tìm kiếm thì thấy khoá học lập trình iOS của TechMaster là ưng ý nhất bởi vì trang web được thiết kế đơn giản với đầy đủ các thông tin về khoá học (học phí, lịch từng buổi, thiết bị, các bài tập của khoá trước) khiến mình có cảm giác tin tưởng về chất lượng và quyết định theo học. Sau khoá học, mình thấy còn nhiều điều muốn học hỏi thêm và nhận ra cách học tốt nhất là được làm việc, nên mình quyết định nghỉ học tại NIIT để làm lập trình viên iOS tại TechMaster. Vậy là tới nay mình đã gắn bó với iOS được gần 4 năm và thấy quyết định này rất đúng đắn.
Sau khi hoàn thành khóa học với kết quả xuất sắc Đạt đã được mời ở lại làm việc tại TechMaster. Công việc lúc đó của bạn là làm những dự án cho đối tượng khách hàng nào? Theo bạn thì những dự án thực tế đó giúp ích ra sao cho những học viên và thực tập sinh cũng như nhân viên của TechMaster?
Khi làm việc tại TechMaster, mình chủ yếu làm các dự án cho khách hàng Mỹ và Châu Âu. Một số dự án như: ứng dụng đọc sách (E-Pub, Pdf, audio book), ứng dụng kết nối với hệ điều hành Windows để đọc file, ứng dụng mô phỏng bất động sản… Theo mình những dự án này giúp cho mình có kinh nghiệm làm việc thực tế để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Việc tiếp xúc với nhiều dự án đa dạng giúp mình có kiến thức rộng ở nhiều mảng khác nhau của lập trình iOS. Đây cũng là cơ hội tốt để các học viên, nhân viên của TechMaster rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, trao đổi với khách hàng.
Sau khi nghỉ việc ở TechMaster thì bạn chuyển qua VNG và gần đây nhất là Atlassian. Đạt có thể giới thiệu ngắn gọn về nét văn hóa của các công ty này tới các học viên cũng như các sinh viên đang trong quá trình tìm việc?
Khi làm tại VNG mình làm ở bộ phận chuyên phát triển về mobile. VNG được biết đến là một trong những công ty có sản phẩm mobile tốt nhất ở Việt Nam như Zalo, Zing mp3, Laban key,... Môi trường làm việc ở VNG rất trẻ, năng động cùng với chính sách phúc lợi cho nhân viên rất tốt. Công ty cũng tạo cơ hội cho nhân viên thử nghiệm những ý tưởng mới. Nếu như ở TechMaster mình được làm nhiều dự án, nhiều công nghệ khác nhau thì ở VNG mình tập trung làm một sản phẩm lớn trong thời gian dài, nên từ đó học được kỹ năng tối ưu hoá và cách thức xây dựng một sản phẩm dễ bảo trì và phát triển sau này. Đồng thời, mình làm quen với việc lắng nghe phản hồi, phân tích hành vi của người dùng để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.
Atlassian là công ty phần mềm hàng đầu của Úc, nổi tiếng với những sản phẩm như JIRA, Confluence, Bitbucket, v.v... được dùng bởi các công ty và tổ chức lớn như Apple, NASA,... Điều mình ấn tượng nhất là văn hoá mở của Atlassian. Công ty có nhân viên đến từ nhiều quốc gia, kinh nghiệm rất đa dạng và mọi người đều sẵn sàng chia sẻ kiến thức nên mình dễ dàng học hỏi nhiều điều mới. Trải nghiệm mới nhất của mình là được tham gia ShipIt 33 - chương trình hackathon hàng quý của Atlassian. Trong vòng 24h, mỗi nhóm cần đưa ra một vấn đề liên quan đến các sản phẩm hiện tại và đưa ra ý tưởng để giải quyết vấn đề đó. Rất vui là nhóm mình đã đạt giải Founder Prize trong lần Shipit 33 này với ý tưởng về một add-in cho JIRA.
Học lập trình iOS trực tuyến xin việc làm
Đạt cùng với Atlassian JIRA Team (đứng thứ 2 từ trái sang)
Đạt là người có kinh nghiệm làm lập trình viên iOS tại nhiều công ty khác nhau. Theo quan sát của bạn thì hiện nay các công ty thường sử dụng ngôn ngữ Objective-C hay Swift để phát triển sản phẩm? Nếu một bạn trẻ bây giờ mới bắt đầu học lập trình iOS thì theo Đạt họ nên chọn ngôn ngữ nào?
Theo mình thấy các project phát triển sản phẩm mới hầu hết sẽ chuyển sang sử dụng Swift, chỉ có một số công ty đang phát triển sản phẩm đã có sẵn thì vẫn giữ Objective-C. Đặc biệt trong thời gian gần đây ngôn ngữ Swift được Apple liên tục phát triển tính năng mới và tối ưu hơn. Hiện tại, Swift 2.1 đã stable hơn trước rất nhiều.
Tài liệu học và ví dụ về Swift có đầy đủ trên mạng, cộng động sử dụng Swift lớn, ngoài ra bạn có thể sử dụng đồng thời Swift và Objective-C trong cùng một project. Hơn nữa, biết lập trình Swift cũng đang là một trong những tiêu chí được ưu tiên trong tuyển dụng lập trình viên iOS. Với những lợi thế của Swift mà mình đã kể ở trên thì không có lý do gì để những bạn mới bắt đầu lập trình iOS hay cả những bạn làm lâu năm không bắt đầu chuyển sang Swift ngay từ bây giờ.
Được biết trong thời gian rảnh rỗi Đạt cũng hay tham gia các hoạt động như chơi bóng đá nghệ thuật, đi phượt, chạy marathon, leo núi. Theo bạn thì những hoạt động thể thao này liệu có đem lại lợi ích cho những người làm nghề phát triển phần mềm?
Làm lập trình viên đồng nghĩa với việc ngồi hàng giờ liền trước máy tính nên việc chơi thể thao, đi phượt giúp mình rèn luyện sức khoẻ để đáp ứng được áp lực công việc, thoải mái đầu óc, tinh thần. Tập luyện một môn thể thao trong thời gian dài giúp mình hiểu được cách để phát triển một kỹ năng, vượt qua giới hạn của bản thân từ đó xây dựng sự tự tin. Ngoài ra, những hoạt động này giúp mình có thêm nhiều người bạn, dễ hoà nhập khi sống ở một thành phố mới như Sài Gòn và sắp tới là Sydney.
Nếu một bạn trẻ đang muốn theo đuổi con đường trở thành lập trình viên iOS thì theo Đạt ngoài kỹ năng chuyên môn ra họ nên cần trang bị thêm những kỹ năng gì?
Theo mình nghĩ, ngoài kỹ năng chuyên môn các bạn nên trau dồi tiếng Anh để phục vụ cho việc nghiên cứu và có thể có cơ hội làm việc với khách hàng quốc tế hoặc các công ty nước ngoài. Ngoài ra, như mình đã chia sẻ ở trên thì việc chơi thể thao giúp mình cân bằng cuộc sống và cũng giúp mình tạo những mối quan hệ trong cộng đồng. Nên các bạn có thể suy nghĩ lựa chọn một môn thể thao để rèn luyện, sẽ tiện cả đôi đường :D.
Cảm ơn Đạt đã tham gia phỏng vấn và cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho độc giả của TechMaster. Chúc bạn nhiều sức khỏe và thành công trong các kế hoạch sắp tới.
Cảm ơn TechMaster.
Bạn là người đam mê lập trình và đang muốn theo đuổi công nghệ lập trình iOS? Bạn đang tìm kiếm một trung tâm lập trình chất lượng mà có thể học từ xa qua mạng? Hay bạn đang băn khoăn không biết nên học ngôn ngữ lập trình nào để dễ xin được việc làm? Hãy chia sẻ ý kiến trong phần bình luận phía dưới nhé!

No comments:

Post a Comment