Ở bài trước, mình có bày tỏ bức xúc về những gạch đá mà lều báo và xã hội dành cho ngành IT Việt Nam, cũng như giải thích về những chuyện lương bổng, nhảy việc.
Kì này, chúng ta cùng tìm hiểu xem những chuyện này có phải là lỗi của lập trình viên không? Trình độ lập trình viên Việt Nam không thua nước ngoài mấy, nhưng ngành IT Việt Nam lại thua ngành IT của các nước khác khá xa, nguyên nhân vì đâu?
Bài viết gồm 3 phần:
- Phần 1: Gạch đá bủa vây ngành IT và developer
- Phần 2: Trông người lại nghĩ đến ta, ngành IT Việt Nam thua kém gì nước ngoài
- Phần 3: Anh em developer chúng ta phải làm gì?
Cùng đọc phần này để biết nhé.
Lập trình viên không biết tự học là tại… ngành giáo dục??
Nhiều người đổ lỗi lý ngành IT Việt Nam chưa phát triển cho … bản thân lập trình viên; lập trình viên lười, lập trình viên không biết tự học, lập trình viên ảo tưởng sức mạnh. Mình thì nghĩ ngược lại, mình nghĩ nguyên nhân chuyện này phần nhiều bắt nguồn từ ngành giáo dục và đào tạo.
Bạn nào theo dõi blog cũng đều biết, mình rất hay khuyên các bạn sinh viên là muốn phát triển trong ngành này thì phải chịu khó tự học đi, kiến thức trong trường không đủ đâu. Ở Việt Nam, từ mẫu giáo tới cấp 3 chúng ta quen thói đọc chép, dạy gì học nấy, nên lên Đại Học vẫn thế. Do đó lập trình viên Việt Nam chưa có tính tự học.
Dẫu biết rằng, tình trạng trẻ trâu lười biếng thì ở đâu cũng có, nhưng mình nghĩ lỗi vẫn do sự đào tạo của nhà trường. Mới vào Đại Học mà đã nhồi ngay một đống Toán Lý Hoá đại cương vô bổ vào đầu sinh viên. Mình toàn nghe các bạn kể là thầy dạy một đống, giao 1 đống bài tập rồi để các em tự bơi, học xong mà chẳng hiểu học làm gì.
Sao các thầy không chịu khó khuyên có tâm như Code dạo, khuyên các em tự học, sau đó vẽ đường và chỉ cách học nhỉ? Thay vì dạy những kiến thức cũ (trước sau gì cũng lỗi thời), sao không dạy căn bản trước, sau đó dạy cách tự học, tư vấn lộ trình học, chỉ ra con đường để các bạn tự đi. (Như mình chẳng hạn, cuối mỗi bài viết mình đều thêm 1 số link để các bạn tìm hiểu kĩ hơn).
Đó cũng là lý do mà nhiều bạn sinh viên phải ra cúng tiền cho các trung tâm. Họ biết mình thiếu kiến thức, nhưng không biết tự học như thế nào, học những gì nên đành ra học ở trung tâm (Son xấu trai gì đó chẳng hạn).
Trung tâm không dạy là coi như không biết luôn. Nếu được dạy cách tự học ở trường, các bạn ấy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc rồi.
Tiếng Anh không tốt, tạo rào cản lớn về ngôn ngữ
Ở nước ngoài, sách công nghệ hay rất nhiều và đủ thể loại. Có sách chuyên sâu về ngành lập trình, ngôn ngữ lập trình, về thiết kế, về kĩ nghệ viết code, hoặc qui trình làm việc. Khi có công nghệ mới ra đời, một thời gian sau cũng sẽ có vài cuốn sách hay về công nghệ đó được Appress, O’reilly ra mắt.
Muốn theo kịp công nghệ, phải chịu khó theo dõi và học từ sách nước ngoài.
Ngoại ngữ chính là lý do lập trình viên Việt Nam, nhất là sinh viên, chịu nhiều thiệt thòi hơn so với dev nước ngoài. Tiếng Anh của sinh viên VN phần lớn không giỏi (lại lỗi của hệ thống giáo dục), ngồi nghe mấy khoá học hoặc đọc sách 100% tiếng Anh thì làm sao mà tiếp thu?
Biết tự học ở đâu khi mà tài liệu khan hiếm, nhất là tài liệu hay?
Ở Việt Nam, đa phần sách là về thuật toán, về các ngôn ngữ như C, C++, sách công nghệ cũ, hoặc sách bài tập, đa phần là từ giáo trình của các trường Đại Học.
Thật lòng mà nói, mình chưa thấy cuốn sách tiếng Việt nào mang tính thực tiễn, gần gũi với công việc code hàng ngày, cũng không thấy cuốn nào đào sâu về ngôn ngữ như C# in Depth, Thinking in Java, Eloquent JavaScript,…. Sách tiếng Việt phần lớn mang tính chất “dạy code” hơn là “đào tạo lập trình viên”.
Dạo qua các forum, thấy nhiều bạn sinh viên muốn đọc sách lập trình, hỏi sách hay thì toàn được chỉ cuốn giải thuật gì đó của thầy Lê Minh Hoàng. Sách hay, và giải thuật cũng quan trọng thật đấy. Nhưng khi đi làm đa phần chẳng cần dùng đến mấy thứ cao siêu đó đâu!
Sao không chỉ các em tìm đọc những thứ thật tế, gần gũi với nghề nghiệp hơn như Code Complete, Clean Code, Refactoring… Tiếc thay, những cuốn này cũng không hề có tiếng Việt cho sinh viên đọc.
Đây một phần là lỗi của lập trình viên chúng mình, khi không chịu bỏ tiền ra mua sách (Đừng lo, nước ngoài cũng vậy, nghe đồn là trung bình một lập trình viên đọc chưa đến một cuốn sách mỗi năm). Nhưng mình nghĩ (lại nghĩ) một phần lỗi là do các nhà xuất bản chỉ chú trọng lợi nhuận.
Sách kĩ thuật rất khó bán so với sách ngôn tình, sách kinh tế nên phải đội giá lên cao. Đây là lý do cuốn Code Dạo Kí Sự giá đến 160k, trong khi tiểu thuyết hay sách về quản lý cùng độ dài chỉ khoảng 80k. Giá cao thì không bán được, lại lỗ, hậu quả là chúng ta lại không có sách mà đọc!
Phát triển chuyên môn kiểu gì? Môi trường và dự án đâu mà học?
Developer Việt cũng hay bị chê là… thiếu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn không cao. Cá nhân mình nghĩ yếu tố này phụ thuộc vào môi trường, và công ty. Để nâng cao khả năng chuyên môn, cách tốt nhất là thực tập hoặc đi làm.
Chỉ có trải qua quá trình làm việc, học hỏi qua dự án thì mới nâng cao trình độ được. Đó cũng là lý do mà người đi làm 3,4 năm, có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ giỏi hơn, lương cao hơncác bạn mới ra trường.
Lại một thực trạng nữa, ở Việt Nam phần lớn các công ty lập trình là công ty outsource. Vào những công ty này, bạn sẽ học được nhiều về qui trình, cách làm việc nhóm. Tuy vậy, bạn sẽ thiếu tư duy sản phẩm, tư duy thiết kế hệ thống, cách làm việc với khách hàng.
Thử nghĩ xem, các dự án quanh đi quẩn lại chỉ có bảo trì, outsource, code theo design sẵn có thì phát triển kĩ năng vẹo gì nữa bây giờ?
Hoặc ở các công ty vừa và nhỏ, bạn học được gì khi ngồi cắt file PSD ra HTML/CSS suốt 2,3 năm? Học được gì khi suốt ngày build đi build lại web tin tức, code web bán hàng cho mấy doanh nghiệp cò con?
Tất nhiên, cũng có khá nhiều công ty lớn có product như VNG, TGDD, NCT, Tiki, … Nếu tham gia build web tin tức cho VNExpress, web bán hàng của tiki hay thegioididong thì lại khác. Các sản phẩm này phục vụ hàng triệu người dùng, nên sẽ có những vấn đề kĩ thuật rất hay để giải quyết
Nhiều công ty cứ muốn ăn sẵn mà không chịu khó tự đào tạo. Sao ko kiếm junior dev về rồi đào tạo người ta? Sợ nhảy việc thì cứ cho lương cao bằng với thị trường đi!
Lấy Fsoft làm ví dụ, mặc dù nó bị chê nhiều vì lương thấp, bóc lột, bản thân mình lại thấy nó cũng có vài cái khá hay như: có lớp Fresher đào tạo sinh viên mới ra trường, tài trợ tiền thi chứng chỉ, lâu lâu có các khoá đào tạo chứng chỉ miễn phí cho dev.
Trách nhiệm của chính developer
Tất nhiên, việc tự học, tự trau dồi kinh nghiệm cũng là trách nhiệm của developer, tức là chính các bạn!
Cùng làm một công việc, có người được giao gì làm nấy, xong việc thì vỗ đùi tự cho là mình giỏi, sẽ chẳng học được gì cả. Ngược lại, vừa làm việc, bạn vừa cố gắng tìm hiểu kĩ việc mình đang làm, quan sát và học hỏi những cái hay của những người xung quanh thì sẽ nhanh phát triển hơn nhiều.
Một công ty tốt, môi trường tốt sẽ cho ta cơ hội để học hỏi, nhưng có tận dụng được cơ hội đó hay không còn tuỳ thuộc vào chính chúng ta nữa!
Tạm kết
Những phân tích trên cũng đủ thấy rằng: Ngành lập trình VN chưa bằng nước ngoài, lập trình viên VN còn chưa giỏi đa phần là do các yếu tố khách quan chưa không phải là lỗi của một mình lập trình viên.
Tất nhiên, chê thì ai cũng chê được, chửi thì ai cũng chửi được. Dân Việt Nam mình chỉ giỏi chửi, giỏi chê, chứ không biết cách làm gì để thay đổi. Thay vì chửi, sao chúng ta không góp sức gì đó để ngành mình tốt hơn, để các em sinh viên, các lập trình viên tương lai đỡ khổ nhỉ?
Cùng đọc phần cuối để xem chúng ta có thể làm gì để nâng cao vị thế của lập trình viên, giúp ngành IT phát triển, để những sinh viên IT đời sau sẽ đỡ vất vả như mình nhé!
No comments:
Post a Comment