Kì trước, mình đã phỏng vấn anh Tiger Nguyễn, một BrSE “cứng cựa” với hơn 5 năm kinh nghiệm. Kì này, chúng ta cùng trò chuyện với anh Huy Trần (không Truồng), tác giả của blog Phun-Sờ-Nắc Developer, hiện anh đang là một front-end engineer cho một công ty start-up ở Silicon Valley.
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ rất cụ thể, chi tiết và có tâm về con đường phỏng vấn, xin việc bên Mĩ, cùng những điều hay ho khi làm việc nơi xứ người từ anh Huy nhé!
- Anh có thể giới thiệu sơ về bản thân (tên tuổi, nghề nghiệp, kinh nghiệm, sở thích, nơi ở) cho bạn đọc biết được không?
Về kinh nghiệm thì cũng không có gì nhiều, trước khi bén duyên với nghề Kĩ sư mặt tiền này thì anh cũng từng trôi dạt qua nhiều công ty với đủ mọi thể loại vị trí như: Trợ lý hốt bug, chuyên viên copy paste PHP, .NET,… cũng có một thời gian anh kiếm sống bằng nghề clone dạo game và app mobile, sau khi dồn sức vào mở startup làm game và thất bại thì cả team ra đường, anh thì về trường để trả nợ môn, rồi cũng quay về với nghề code dạo.
Về sở thích thì cũng như bao anh em IT, anh thích DotA 2 (gosu 1k6 mmr đấy nhé), giờ rảnh nếu không vào game để feed thì a đọc sách và nghiên cứu linh tinh, viết blog,…
- Anh giới thiệu đôi lời về bờ lốc Phun Sờ Nắc của mình nha. Lý do nào khiến anh viết blog đó vậy ?
Trước khi lập blog này thì anh cũng viết ở khá nhiều nơi khác, phần lớn là ở các diễn đàn về CNTT, nhưng về sau thì mấy forum này tỏi dần kéo luôn những bài anh viết đi về miền cực lạc, nên anh mở blog riêng để chủ động hơn trong việc lưu giữ lại những gì mình viết, và tiện chia sẽ những kinh nghiệm và đam mê của mình cho nhiều người hơn. Biết đâu sau này bài nhiều thì có thể đóng thành sách bán không chừng =))))
Đùa tí, thực ra động lực lớn nhất khiến anh viết nhiều là anh có thể chia sẽ những gì mình biết, nhận thấy nó giúp được cho rất nhiều người, và để viết tốt thì bản thân mình phải nghiên cứu rất nhiều nên từ đó cũng học hỏi được nhiều thứ hơn.
- Thông qua bờ lốc Phun Sờ Nắc của anh, được biết anh hiện đang làm “kĩ sư mặt tiền (front-end engineer) cho một startup nhỏ ở thung lũng túi nâng silicon”. Anh có thể chia sẻ sơ về công việc hàng ngày của mình không?
Đối với việc fix bug thì khá giống với những gì chúng ta vẫn làm trong các dự án ở nhà vẫn làm, là nhận bug từ phía tester, tìm đủ mọi cách để giấu nó đi rồi gửi lại cho tester để họ test =))
Đối với việc phát triển chức năng mới, thì rất thú vị, vì sản phẩm thay đổi gần như theo chu kì tính bằng tuần (dựa theo những biến đổi trong ngành Health Care, những động thái của công ty đối thủ, những yêu cầu mới của khách hàng,…) nên gần như là chạy không ngừng nghỉ
Vị trí Frontend đóng vai trò trung tâm (ý là trung tâm của những cuộc tra tấn ấy) vì phải làm việc với tất cả mọi team, làm việc với Designer để chắc chắn là họ không thiết kế ra những thứ gì quái đản và hoang đường về mặt kĩ thuật, cùng thảo luận. Phối hợp với team Backend và Data Scientist để đảm bảo là dữ liệu và API họ cung cấp luôn chính xác với nhu cầu bên phía Frontend, và phía Frontend cũng thể hiện đúng với những gì họ mong muốn. Cũng nhờ vậy mà học hỏi được rât nhiều thứ.
- Tại sao anh lại đến với ngành lập trình này? Cơ duyên nào đưa anh qua đến tận trời Tây (thung lũng Silicon) để làm việc vậy nhỉ?
Một thời gian sau thì mò được cả source code viết bằng Pascal của trò đó trong máy nhưng mà đọc không hiểu gì cả =))) thế là quyết tâm ngồi học lập trình, đam mê cũng từ dạo đó.
Hồi đó chưa có Internet ở nhà, cứ mỗi cuối tuần thì anh lại đạp xe ra quán net để download mã nguồn từ các trang như Platnet-Source-Code (chắc giờ nó die rồi) về rồi ngâm cứu suốt 1 tuần, hết thì tuần sau lại ra quán net download tiếp.
Rồi dần dần được tiếp xúc nhiều hơn với Internet thì cũng tiếp cận được một vài cộng đồng lập trình viên ở khắp nơi, càng học thêm được nhiều thứ mới mẻ, và lên cấp 3 thì cũng đủ trình để đi thi thố linh tinh.
Còn về cơ hội để anh đi làm ở Silicon Valley thì một phần cũng là nhờ may mắn.
Khoảng cuối năm 2015 thì gia đình anh đi định cư ở Mỹ. Trước khi ra đi thì bạn bè cũng hù dọa ghê lắm, đọc báo thì cũng thấy tả cảnh dân nhập cư thảm lắm, nào là qua đó thì bằng cấp và mọi thứ ở Việt Nam coi như vứt hết, chỉ có đi làm khuân vác mà sống thôi, phải đi học lại Đại học này kia. Nhưng đã được đi rồi thì cứ đi thôi, qua rồi tính sau.
Kết quả là qua đến nơi thì chả thấy giống những gì trên báo nó nói đúng là cái vụ xin việc trong ngành CNTT bên này cũng khá là vất vả, nhưng không đến nỗi bất khả thi như nhiều người vẫn nghĩ.
- (Câu hỏi bạn đọc) Làm sao anh tìm được công việc ở nước ngoài hay vậy? Phỏng vấn có khó không anh? Bọn Tây lông làm việc có khác gì Việt Nam không anh?
Đầu tiên đó là phải chuẩn bị hồ sơ (CV). Các yếu tố như biết nhiều ngôn ngữ hay kinh nghiệm làm việc khủng, tốt nghiệp đại học ở Việt Nam,.v..v… hầu như người ta rất ít để ý đến. Mà thay vào đó thì họ quan tâm đến việc mình làm được những gì. Làm sao để chứng minh được mình làm được những gì thông qua hồ sơ xin việc? Có 2 thứ: Github và Blog cá nhân.
Một profile Github đẹp là yếu tố then chốt, khi còn ở Việt Nam thì anh cũng làm một vài project linh tinh và quăng hết lên đấy, nhờ bạn bè vào star hộ, khi nộp hồ sơ thì để luôn cái link Github profile của mình vào và không giới thiệu gì nhiều, chỉ nói đại loại như: “Mày muốn biết tao làm được gì thì cứ vào profile của tao mà xem cho rõ” =)))
Nếu có blog cá nhân bằng tiếng Anh thì là một lợi thế nữa. Không gì chứng tỏ bản thân dễ dàng bằng 2 thứ đó.
Tiếp theo là tìm đến những nơi người ta hay tuyển, điển hình là AngelList và StackOverflow Jobs. Tạo profile trên đó và bắt đầu quá trình apply.
Apply xong thì cứ ngồi chờ thôi =)))
À, đến đây thì cũng cần phải nói, visa là một yếu tố cũng rất quan trọng để tìm việc, ít nhất là ở Mỹ. Đa số các công ty ở Mỹ họ chuộng người đã có visa làm việc hoặc thẻ xanh hơn, vì không phải tốn tiền cho việc tài trợ visa. Không phải là không có những công ty sẵn lòng tài trợ work visa, nhưng để được tài trợ thì bản thân mình phải đáng giá đối với họ.
Nhưng tất nhiên không phải cứ đi Mỹ thì mới gọi là làm việc ở nước ngoài, các bạn ở nhà cứ thoải mái và tự tin apply vào những công ty nằm quanh khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia hay Nhật Bản, Úc, hoặc những nơi có chế độ visa thoải mái hơn như Canada. Rất nhiều bạn bè anh quen đang làm việc ở các nước này và cũng đã apply trực tiếp từ Việt Nam.
Giai đoạn apply xong thì phải sẵn sang cho các cuộc phỏng vấn làm quen, thường là các cuộc gọi ngắn để giới thiệu bản thân, đôi lúc là một vài câu hỏi sơ bộ về kĩ thuật (họ sẽ hỏi kiểu: Object khác gì Array trong JavaScript, hay bind khác gì apply,…). Mục đích của các cuộc gọi này là để người ta xem khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh) của mình như thế nào, và có vấn đề gì về giao tiếp hay không. Vì thế thứ cần chuẩn bị cho giai đoạn này là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, và một chút kiến thức kĩ thuật cơ bản.
Công ty đầu tiên anh được gọi là vào lúc 4h sáng, qua Skype, vì khi đó anh vẫn đang còn ở Việt Nam.
Sau vòng đó thì sẽ đến các vòng làm bài test (gửi qua email) hoặc coding interview trực tiếp qua Skype, thường sẽ là 45 phút cho một bài kiểm tra, và nội dung được hỏi đa phần là thuật toán. Đừng tin vào cái bọn suốt ngày lên HackerNews hô hào “vì một thế giới không coding/whiteboard interview”, trong vòng 45 phút thì không có cách nào để người ta đánh giá kĩ năng (giải quyết vấn đề, tư duy, cách làm việc, giao tiếp…) của mình nhanh bằng ra các câu hỏi về thuật toán đâu.
Để hiểu thêm về góc nhìn của người phỏng vấn, họ muốn gì và tìm kiếm điều gì, các bạn có thể tham khảo bài viết của anh Đỗ Xuân Huy, kể về quá trình anh ấy làm công việc phỏng vấn ứng viên cho văn phòng LINE Corp tại Nhật Bản.
Qua được vòng đầu này thì tùy vào từng công ty mà sẽ đến các vòng coding interview trực tiếp tại công ty, rồi vào luôn màn nói chuyện với CEO để deal lương các kiểu. Đến giai đoạn này thì chắc chắn là phải xách ba lô lên và đi rồi.
Các công ty khi đã quyết định cho ứng viên đến phỏng vấn trực tiếp thì thường họ sẽ tài trợ chi phí đi lại nếu cần thiết (không phải công ty nào cũng có, nên đặt thẳng vấn đề với họ nếu có thể), cũng vì vậy mà yêu cầu của họ ở các vòng trước sẽ khắt khe hơn rất nhiều.
Nhìn chung quá trình phỏng vấn là vậy, những thay đổi sẽ tùy vào từng công ty nhưng không khác biệt nhau nhiều lắm.
Các kiến thức về kĩ thuật thì không bàn tới, thứ duy nhất cần phải có nếu muốn tìm việc ở nước ngoài (bất kể nước nào) thì là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh (chỉ cần nói được chứ không cần nói hay, cho nên các bạn chỉ cần tập trung luyện phản xạ tiếng Anh và khả năng phát âm, đừng cố luyện mấy cái hoa hòe như là tiếng Anh giọng Mỹ làm gì nhé J)
Khi đã vào làm việc rồi thì cũng không có gì khó khăn mấy, bọn Tây lông nó làm việc cũng như mình thôi, chỉ khác cái là đa số đều rất chủ động trong công việc và trong giao tiếp, với tinh thần trách nhiệm cực kì cao, nhưng không có gì là quá khó để chúng ta có thể bắt kịp cả. Không lo về mấy cái này!
Phèo, mệt quá, cho anh thở tí đã.
- Trong quá trình học tập và làm việc bên xứ người, chắc cũng có nhiều cái sướng cũng như nhiều cái vất vả nhỉ nhỉ? Anh chia sẻ thêm về những những cái sướng cái khổ nơi xứ người với các bạn sinh viên được không?
Về đời sống thì bên cạnh mấy thứ như khí hậu mát mẻ, môi trường sạch sẽ, văn hóa ứng xử lịch thiệp và mức độ an toàn khi đi ngoài đường, thì đây còn là thiên đường cho những tâm hồn ăn uống như anh. Cứ gọi là mỗi ngày ăn một món từ một nước bất kỳ luôn ấy, hôm thì ăn đồ Nhật, rồi Hàn, rồi Trung Quốc, rồi Hy Lạp, rồi Mexico,… ôi thôi không dám kể nữa :v
Đối với dân công nghệ mà nói, thì việc tiếp cận với các món đồ công nghệ cũng như sách vở chuyên ngành là chuyện cực kì dễ dàng, mà lại còn rẻ nữa. Có những quyển sách mà từ hồi mới học lập trình anh chỉ có thể tìm được bản eBook, đến khi cầm được bản cứng trên tay thì rưng rưng nước mắt =)))
Còn cái sướng nhất đó là được làm việc và học hỏi cùng với rất nhiều lập trình viên giỏi đến từ khắp nơi trên thế giới, rồi nào là meetup nè, nào là hacknite nè. Đủ mọi thể loại.
Vất vả thì cũng nhiều, nhiều nhất có lẽ là nhớ vợ nhớ con rồi thì thời gian đầu lúc mới qua phải trải qua đủ 3 cái “thọt”:
- Đui mù: Ra đường không biết đường đi
- Câm điếc: Người ta nói mình không nghe được, mình nói người ta cũng không nghe được luôn :v
- Què: Không có xe thì đi lại cực kì khó khăn, nhưng đi xe bus và tàu điện lại là một trải nghiệm khá thú vị
- Bản thân anh thấy môi trường làm việc ở nước ngoài có gì hay và dở hơn Việt Nam không? Anh cảm thấy thích thú với điều gì nhất? (Có trải nghiệm gì hay ho thì anh chia sẻ cũng được)
- Văn phòng làm việc mà để tràn ngập đồ ăn và thức uống, rất phân tâm và mất tập trung khi code.
- Không có giờ ngủ trưa hay cà phê chém gió như ở nhà, thay vào đó phải đi ăn trưa cùng đồng nghiệp rồi về mở máy tính đọc báo đến khi nào thích làm việc thì làm.
- Chơi thân với sếp cũng không có giúp gì được trong chuyện thăng tiến hay đảm bảo toàn mạng khi làm sai một chuyện gì đó, hở phát là bị cả team cho lên thớt ngay.
- Bất kì một cá nhân nào cũng có quyền góp ý hay tranh luận về bất kì điều gì trong project, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, hay có đúng với chuyên môn của mình hay không thì mọi người vẫn chú ý lắng nghe, thế có loạn không cơ chứ!
- … còn nhiều lắm …
- Anh đánh giá thế nào về trình độ sinh viên IT Việt Nam, cũng như trình độ dev Việt Nam hiện tại. Họ có gì thua kém so với các dev “Tây lông” mà anh làm việc chung không?
Các bạn còn quá tập trung vào những vấn đề ngắn hạn và không đáng (Có nên bỏ Đại Học không? Nên học Web hay Mobile? Học ngôn ngữ X có kiếm được việc làm không?…) và bỏ qua những thứ quan trọng hơn mà đáng lẽ ra các bạn nên tập trung vào giai đoạn khi đang còn là sinh viên (học tốt các môn nền tảng như Toán, Giải thuật, Cơ sở dữ liệu, tiếng Anh…).
Có nhiều bạn quá vội đi làm và đánh giá thấp việc học, về điểm này mình cũng nói luôn, đa số các công việc ngành IT mà thuê sinh viên thì đều là những việc lương thấp, hoặc bạn đang bán sức lao động và cả tương lai của mình với giá quá thấp, và quanh đi quẩn lại cũng chỉ là làm web thuê, hoặc làm “công nhân code” cho một xí nghiệp gia công phần mềm nào đó.
Trong vòng 2, 3 năm đầu, các bạn không hề đụng phải một vấn đề gì cần vận dụng kiến thức được học ở trường cả. Điều này quá rõ ràng. Nhưng liệu đó có phải là công việc tốt không khi mà các bạn không vận dụng được kiến thức gì? 3, 4 năm sau khi các bạn đã chán công việc đấy thì các bạn còn lại cái gì khi mà kiến thức học được bằng 0, cả kiến thức phải học ở trường cũng bằng 0 nốt?
Và tất nhiên không phải là không có những bạn dev hay sinh viên “Tây lông” mắc phải những cái “hội chứng” trên, tuy nhiên đa số họ biết bản thân muốn gì và nên làm gì, với một lối suy nghĩ rất độc lập.
- (Câu hỏi bạn đọc) Nếu một bạn sinh viên năm 4/mới ra trường hoặc đã đi code được 1-2 năm, muốn đi theo hướng front-end developer thì nên đi như thế nào ạ? Liệu cơ hội làm việc và sinh sống ở nước ngoài như anh có cao không ạ?
- (Câu hỏi bạn đọc) Em cũng đang muốn theo front-end nhưng thấy tài liệu nhiều, framework nhiều, lắm cái cần học quá! Học những gì thì đủ hả anh? Anh học công nghệ mới như thế nào ạ?
Dù là Frontend hay Backend thì cũng nên tự mình nghiên cứu build một hoặc một vài sản phẩm từ A-Z vì đây là cơ hội để học được rất nhiều thứ.
Follow các developer nổi tiếng trong lĩnh vực Frontend như Dan Abramov, TJ Holowaychuk, David Walsh,… và cũng đừng quên follow các nhân vật tầm cỡ như Dave Cheney, Uncle Bob, Martin Folwer, bạn sẽ có cơ hội học hỏi rất nhiều thứ từ họ.
Sau đó các bạn có thể thử sức với những công ty làm sản phẩm (product) nghiêm túc hoặc các công ty startup nhỏ để có nhiều cơ hội vận dụng kiến thức hơn, về điểm này thì không nhất thiết phải là Frontend mà nó cần thiết với bất kì lĩnh vực nào.
Làm product chán chê thì bạn có thể tìm đường đi ra nước ngoài để tiếp tục học hỏi và trau dồi kinh nghiệm. Không nên tốn thời gian với những công ty quá to, trừ khi bạn thực sự muốn học hỏi quy trình gì đó của họ hoặc cần sự ổn định vì lỡ tay lấy vợ rồi. :v
Ở thời điểm hiện tại thì việc dev Việt Nam đi ra nước ngoài làm việc là một việc hết sức bình thường, và hoàn toàn khả thi, cơ hội thì luôn luôn có, quan trọng là có muốn đi hay không.
- Câu cuối anh nhé! Anh có lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên ngành IT và các bạn dev Việt Nam hiện nay không?
- Làm những gì thực sự có ích và thực sự cần làm lúc còn đi học
- Coi mọi hành động của mình là một khoản đầu tư
- Tích lũy thật nhiều kinh nghiệm trước khi ra trường
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete