Đọc bài phỏng vấn của blog Vinacode với anh Andy Truong, là một developer có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với Drupal CMS. Anh là admin của cộng đồng DrupalVietnam.org và cũng là Organiser của SaiGon PHP Developer Group meetup, để nghe anh chia sẻ về:
- Kinh nghiệm học tập và làm việc với Drupal
- Những nguồn tài nguyên để học tập và nghiên cứu Drupal
- Kinh nghiệm thi lấy chứng chỉ Drupal
- Kinh nghiệm làm freelancer trên oDesk
- Tham gia vào các hoạt động của SaiGon PHP Developer Group meetup
Anh có thể giới thiệu với độc giả blog Vinacode đôi chút về background IT của mình?
Trước tiên, tôi xin kính chào các bạn độc giả của VinaCode. Bản thân tôi cũng là người rất thường hay ghé đọc blog này. Web có rất nhiều bài viết rất bổ ích cho sự nghiệp coding của tôi.
Tôi tên là Trương Thế Hồng, vì làm việc nhiều với người nước ngoài, nên tôi lấy tên Andy, họ vẫn giữ là Truong, cho người ta dễ nhớ.
Tôi chỉ là… thằng coder! Đúng nghĩa như vậy. Hồi đó lúc mới vào học ở trường KHTN HCMC, tự nhiên trong tôi có cái thích thú lạ kỳ với việc xây dựng các website. Lúc đó PHP và MySQL đang thịnh hành, tôi lần mò theo các bài hướng dẫn trên mạng, viết được các ứng dụng web nho nhỏ, tôi phấn khởi vô cùng, bỏ luôn cả trường lớp. Rồi vô tình tìm đến Drupal, kiến trúc Drupal lúc đó không đồ sộ như bây giờ, nhưng nó đưa ra nền tảng rất chắc chắn. Tôi như cá gặp nước, từ một thằng coder choạt chẹc viết code, đi theo cộng đồng Drupal, tôi học được rất nhiều thứ, có thể kể một vài món: kiến trúc module, thiết kế db, performance, jQuery, Testing, … Cứ như thế, thằng Coder ngày xưa bây giờ cũng có thể gọi là senior programming engineer được rồi.
Là người có kinh nghiệm làm việc với Drupal từ năm 2006 đến nay. Anh có thể so sánh một số mặt ưu và nhược điểm của Drupal với các CMS khác như Joomla, WordPress?
Bản thân tôi chỉ làm việc với Drupal, vì cảm thấy nó đáp ứng tốt các nhu cầu của mình. Tôi cũng có vài lần xem qua Joomla và WordPress, hiểu biết của tôi không đủ sâu để phân tích sự khác biệt giữa các base CMS này. Cho nên, trong phần trả lời câu hỏi này, tôi chỉ xin liệt kê một vài đặc điểm của Drupal CMS, nếu các bạn cảm thấy Drupal thích hợp với mình thì sử dụng:
- Drupal là hệ thống quản trị nội dung (CMS), viết trên nền PHP & MySQL.
- Thiết kế hướng module. Với module, developer có thể tuỳ biến hầu như tất cả mọi thứ ở bên trong hệ thống (Drupal).
- Không như WordPress, được thiết kế cho Blog, Drupal được thiết kế với mục đích khá chung, “xài cho gì cũng được”. Cho nên chúng ta thấy Drupal được sử dụng ở rất nhiều dạng site khác nhau như: dev.twitter.com, www.harvard.edu, www.nbc.com, x.com, whitehouse.gov và… v3k.net
- Drupal được viết ở dạng procedure programming. Tuy nhiên, từ phiên bản 8, Drupal được viết lại ở dạng OOP, sử dụng rất nhiều component cơ bản của Symfony.
- Vì mục đích xây dựng như nói ở trên, nên mọi thứ trong Drupal được trừu tượng hoá khá cao. Khi lần đầu cài đặt Drupal, ai cũng ngỡ ngàng rồi hỏi… Drupal là cái quái gì vậy? Tuy nhiên, theo như tôi thấy, nếu developer nào đã bước qua được giai đoạn ngỡ ngàng trên, tìm hiểu được hết các khái niệm, làm quen với các module mạnh (như views, panels, flag, rules, …) thì sẽ rất rất rất là yêu mến Drupal. Yêu đến độ không tài nào dứt ra được. Thiệt!
- (Không hẳn đúng) Khi là dev Drupal, bạn được trả lương cao hơn các món khác.
Tôi không muốn hù, thật sự Drupal khá là khó học, khó hơn rất nhiều so với các CMS khác. Tuy nhiên, qua nhiều năm phát triển, người ta cũng đã cho ra đời rất nhiều tài liệu học tập Drupal khá thân thiện. Các bạn quan tâm có thể tìm hiểu kỹ hơn về Drupal ở:
- drupalize.me
- codeamodule.com
- ở amazon.com, cứ search “drupal” và chọn các sách có đánh giá cao nhất.
- và đương nhiên là… Drupal.org
- http://www.drupalvietnam.org/ — Tài liệu tiếng Việt
- https://www.facebook.com/groups/drupalvn/ — Hỏi đáp
- https://www.facebook.com/groups/drupalhanoi/ — Người Hà Nội.
Khi tôi còn làm việc ở GO1, công ty sử dụng Drupal làm framework chính, vì muốn khuyến khích các dev sử dụng Drupal thành thạo hơn nên công ty muốn các dev lấy chứng chỉ Drupal, lúc đó tôi lanh chanh làm người tiên phong. Tuy nhiên, sau tôi thì chẳng anh em nào muốn thi hết… lol
Mục đích của chứng chỉ Drupal chỉ đơn giản là chứng thực một lập trình viên có đủ các kiến thức cần thiết để làm việc trên nền tảng Drupal. Vì làm Drupal lâu năm, tôi cứ xắn tay áo lên và thi thôi. Tôi chẳng còn nhớ chi tiết trong bài thi có gì nữa, tôi nhớ đại khái là có các câu hỏi trắc nghiệm kiến thức chung về HTML, CSS, Javascript, jQuery, SQL, PHP… và đương nhiên là một vài kỹ năng Drupal đặc thù. Các bạn trẻ muốn thi lấy chứng chỉ Drupal để dễ kiếm việc hơn (lương cao hơn) thì nên thi lấy chứng chỉ này. Các thông tin về chi phí, giờ giấc, nội dung, … các bạn có thể tìm thấy dễ dàng ở đây.
Andy Truong ở South Bank, Brisbane, Australia
Là người lập ra nhóm Viet Coop
làm khá nhiều dự án freelance chuyên về Drupal trên Odesk. Vậy anh có
thể đánh giá về những tiềm năng nếu đi theo hướng Drupal để làm
freelancer? Thời gian tôi cùng team của mình đi bid và làm project trên oDesk cũng đã dừng lại cách đây hơn 2 năm rồi. Tuy không còn chiến đấu trên chiến trường freelance nữa, nhưng tôi cũng muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm.
- Khi mới vào nghề, đừng quan trọng vấn đề tiền bạc. Cứ đâm đầu vào cái khó, ít tiền. Vì đơn giản, lúc mới vào thì chưa ai biết mình là ai, các bạn cứ chấp nhận làm cật lực, ít thu nhập, coi nó như chi phí để PR bản thân.
- Chọn cái khó mà làm. Nếu chọn project dễ, các bạn sẽ gặp rất nhiều các vấn đề:
- Nhiều đối thủ
- Mức thu nhập thấp
- Kỹ năng không được nâng cao.
- Khó tìm khách hàng chịu chi, khách đường dài.
- Review project kỹ trước khi bid project và làm.
- Freelance khó lắm, cực lắm, … phải tự kiếm project, tự sắp xếp thời gian, tự PR bản thân, tự xây dựng mối quan hệ khách hàng. Project không kịp deadline phải thức thâu đêm để mà kịp bàn giao. Thường xuyên thức đêm vì chênh lệch múi giờ với các nước Âu-Mỹ, … Thật sự là nó cực hơn làm việc với công ty cố định rất nhiều. Đây chính là lý do tôi ngưng không làm freelance nữa. Đến bây giờ, khi nhớ lại tôi cũng không khỏi sợ hãi… cực quá!
Lập trình viên PHP thường chỉ chuyên sâu vào một framework nào đó, ngoài nó ra các PHP dev đa phần chẳng thèm quan tâm thế giới đang nghĩ gì, làm gì. Đến bây giờ, nhiều PHP dev vẫn chưa biết Composer là gì, PSR-3 là chi, VagrantUp, docker, … chẳng buồn biết. Đi sâu vào chuyên môn là tốt, nhưng đôi khi các dev cũng nên đi ra khỏi lối mòn, bước ra khỏi ao, bơi ra sông, ra biển coi người ta làm gì.
Với suy nghĩ như vậy, tôi đã bắt đầu tổ chức Meetup hàng tháng với anh em PHP dev ở khu vực HCMC được khoảng nửa năm nay. Đến với meetup, anh chị em nào cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình, về tất cả các đề tài hoặc mới hoặc cũ, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến PHP. Nếu bạn là lập trình viên PHP ở HCMC, tôi hy vọng gặp bạn ở buổi meetup lần tới nhé.
Nếu được đưa ra một lời khuyên cho các bạn trẻ đang theo đuổi ngành CNTT thì anh sẽ nói gì?
So với nhiều người, tôi không cho mình là LTV tiêu biểu, thành đạt. Tuy nhiên, nếu có lời khuyên gửi đến các bạn trẻ mới vào nghề, tôi có vài điều chia sẻ:
- Nếu có cơ hội học đại học, thì học cho nó xong, đừng bỏ ngang. Tôi đã bỏ học và bây giờ phải sắp xếp thời gian để đi học lại, khó lắm. Bởi vì, không có bằng cấp, tôi đã gặp khó khăn rất nhiều khi muốn đi nước này nước nọ.
- Nên dành thật nhiều thời gian để học tiếng Anh, không chỉ đọc và viết, các bạn trẻ nên trau dồi cho mình đủ cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Nếu được, hãy đặt mục tiêu cụ thể bằng các cuộc thi TOEFL, IELTS.
- Khi còn trẻ, các bạn học được gì thì cứ học hết. Dẫu rằng sau này không dùng được, thì bạn cũng đã trau dồi được kỹ năng “học nhanh”, một kỹ năng cực kỳ cần thiết cho cái nghiệp “thảo chương”.
- Nếu các bạn buộc phải làm việc kiếm tiền thì hãy đi làm, còn không, thì cứ ngồi đó mà học hành cho nhiều vào. Tiền bây giờ kiếm rất ít, nhưng với kiến thức dày, kỹ năng mạnh, tiền kiếm được sau này sẽ rất là nhiều.
- Hãy chia sẻ thật nhiều, nói thật nhiều vào, học gì chia sẻ nấy. Khi chia sẻ, bạn đã tự đúc kết kiến thức mình học được, bạn sẽ được hỏi các câu hỏi khó dễ các loại liên quan đến vấn đề mình học.
- Theo đuôi các tiền bối, cả Việt Nam và thế giới. Ở mảng PHP, các bạn có thể theo đuôi @mrsinguyen, voduytuan, @fabpot, @ircmaxell, @SaraMG, @bitfalls, …
Cảm ơn VinaCode.
Bạn có thể đọc thêm các bài viết rất hữu ích của anh Andy Truong về những kinh nghiệm làm việc với Drupal CMS trên blog cá nhân http://www.v3k.net/, tham gia vào SaiGon PHP Developer Group meetup hoặc có thể liên hệ với anh qua Google+, Facebook, Twitter, LinkedIn hay qua email thehongtt[at]gmail.com
Nếu có cơ hội học đại học, thì học cho nó xong, đừng bỏ ngang. Tôi đã bỏ học và bây giờ phải sắp xếp thời gian để đi học lại, khó lắm. Bởi vì, không có bằng cấp, tôi đã gặp khó khăn rất nhiều khi muốn đi nước này nước nọ.
ReplyDeleteNên dành thật nhiều thời gian để học tiếng Anh, không chỉ đọc và viết, các bạn trẻ nên trau dồi cho mình đủ cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Nếu được, hãy đặt mục tiêu cụ thể bằng các cuộc thi TOEFL, IELTS.
Khi còn trẻ, các bạn học được gì thì cứ học hết. Dẫu rằng sau này không dùng được, thì bạn cũng đã trau dồi được kỹ năng “học nhanh”, một kỹ năng cực kỳ cần thiết cho cái nghiệp “thảo chương”.
Nếu các bạn buộc phải làm việc kiếm tiền thì hãy đi làm, còn không, thì cứ ngồi đó mà học hành cho nhiều vào. Tiền bây giờ kiếm rất ít, nhưng với kiến thức dày, kỹ năng mạnh, tiền kiếm được sau này sẽ rất là nhiều.
Hãy chia sẻ thật nhiều, nói thật nhiều vào, học gì chia sẻ nấy. Khi chia sẻ, bạn đã tự đúc kết kiến thức mình học được, bạn sẽ được hỏi các câu hỏi khó dễ các loại liên quan đến vấn đề mình học.
Theo đuôi các tiền bối, cả Việt Nam và thế giới. Ở mảng PHP, các bạn có thể theo đuôi @mrsinguyen, voduytuan, @fabpot, @ircmaxell, @SaraMG, @bitfalls, …