Saturday, February 3, 2018

Hãy giúp đỡ người khác học lập trình bằng mọi cách – Phỏng vấn Lê Trần Đạt DayNhauHoc

“Hãy học tiếng Anh thật giỏi và hãy giúp đỡ người khác học lập trình bằng mọi cách. Bởi vì cho đi chính là nhận lại, dạy chính là học.” ~ Lê Trần Đạt
Lê Trần Đạt sáng lập cộng đồng hỏi đáp DayNhauHoc.com
Lê Trần Đạt sáng lập cộng đồng hỏi đáp DayNhauHoc.com
Đó là câu nói của anh Lê Trần Đạt hiện là Embedded Software Engineer làm việc cho công ty Compex Systems Pte. có trụ sở tại Singapore và anh cũng là người sáng lập ra cộng đồng hỏi đáp kiến thức lập trình Dạy Nhau Học (DayNhauHoc.com).
Anh đã có buổi chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với độc giả blog VinaCode.
Xin chào anh Đạt, rất vui được trò chuyện với anh hôm nay.
Xin chào VinaCode.

Anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân và background IT của mình?
Mình là Lê Trần Đạt, sinh ra và lớn lên ở miền trung nhiều thiên tai Phú Yên – Khánh Hòa. Mình là một lập trình viên còn rất trẻ, chỉ mới 4 năm kinh nghiệm làm việc thực tế (2014). Tuy nhiên mình rất nhiệt huyết với việc phát triển con người Việt Nam, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên đam mê lập trình.
Mình may mắn được tiếp xúc với máy tính từ khoảng lớp 10, tức những năm 2003, và bắt đầu học lập trình thời điểm đó. Người thầy đầu tiên là bác của mình, bác đã dạy cho mình những bước cơ bản. Về sau thì mình tự đọc sách và học theo cách mình thích.
Ở năm lớp 12, để chuẩn bị thi đại học, mình đã chọn thi vào khoa CNTT của trường ĐH KHTN TPHCM. Lúc đó mình cũng phân vân không biết nên chọn CNTT hay sư phạm. Bởi vì ngoài đam mê máy tính, mình cũng đam mê dạy học. Nhưng may mắn là sau khi chọn lập trình, mình cũng có thể đi tiếp con đường dạy học như bây giờ.
Sau khi ra trường, anh đã làm việc cho 2 công ty nước ngoài tại Tp HCM sau đó lại sang Singapore làm việc. Cơ duyên nào khiến anh quyết định qua Singapore?
Cơ duyên khiến mình quyết định sang Singapore làm việc bắt nguồn từ thói quen đọc sách/truyện từ những ngày còn rất nhỏ. Mình nhớ từ khi mình học lớp 4-5, mình đã đọc những quyển như Robinson Crusoe, 80 Ngày vòng quanh thế giới, Dế Mèn phiêu lưu ký, và một vài truyện phiêu lưu nữa mà mình không nhớ tên.
Ngày đó, mình luôn ước ao được đi ra nước ngoài để khám phá thế giới bên ngoài. Mình phải cảm ơn ba mình rất nhiều vì đã tạo cho mình thói quen đọc sách từ nhỏ. Nhưng việc đi ra ra nước ngoài không phải là một việc dễ, ít ra là đối với mình. Càng lớn mình càng hiểu được việc đó là rất khó với điều kiện tài chính gia đình và xuất phát điểm thấp về tiếng Anh của mình.
Mình thực sự nghiêm túc trong việc đi ra nước ngoài làm việc là khi mình bắt đầu đi làm năm đầu tiên. Khi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, đặc biệt là người Ấn Độ. Mình phát hiện ra một điều là họ không giỏi hơn mình, hoặc thậm chí có những việc mình mất ít thời gian hơn vẫn có thể thực hiện được. Mình mới tự hỏi bản thân, tại sao họ làm được mà mình lại không làm được?
Mình đã lên kế hoạch để đi ra nước ngoài và thực hiện nó trong 2 năm. Bước đầu tiên là mình củng cố tiếng Anh. Bước thứ hai là mình trau dồi kỹ thuật lập trình. Bước thứ ba là bắt đầu gửi đơn ra các nước trên thế giới. Quá trình gửi CV của mình mất tầm 3 tháng, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, và Singapore.
Lê Trần Đạt (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến dã ngoại với bạn bè.
Lê Trần Đạt (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến dã ngoại với bạn bè.
Từng có cơ hội làm việc tại cả Việt Nam và Singapore thì anh đánh giá như thế nào về chất lượng kỹ sư hai bên?
Về chất lượng kỹ sư thì thực tế Singapore không có kỹ sư CNTT. Công việc càng liên quan đến lập trình bao nhiêu thì lại càng hiếm. Singapore là một nước hướng tới dịch vụ, thế nên người Singapore thích làm kinh doanh và ngân hàng hơn. Ngoài ra, làm việc trong lĩnh vực tài chính đem lại thu nhập cao hơn so với đi lập trình.
Nhưng bù lại, họ lại thuê rất nhiều kỹ sư nước ngoài. Có thể nhận thấy chính sách tìm người tài trên khắp thế giới của họ là rất thông minh. Ở Singapore, Đạt có thể dễ dàng tìm thấy được rất nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới. Singapore không khác gì hợp chủng quốc, mà đôi khi họ cũng tự nhận Singapore là hợp chủng quốc.
Riêng về so sánh chất lượng kỹ sư các nước khác tại Singapore thì câu hỏi này rất khó trả lời. Nhưng có thể thấy số lượng người Việt Nam làm trong các lĩnh vực công nghệ cao ở Singapore khá đông. Điều đó chứng tỏ người Việt chúng ta không thua kém các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Nhưng đặc biệt về phong cách làm việc thì người Singapore họ rất chăm chỉ. Giờ nghỉ trưa thường tầm một tiếng và không có ngủ trưa. Họ thường ăn trưa rất nhanh và lên làm việc ngay cho đến giờ về vào buổi chiều. Cụ thể trong công ty mình thì họ làm việc rất trễ, nếu giờ về là 6h thì đến 6h30 hoặc 7h họ mới ra. Mình đã từng than phiền với manager là sao mọi người lại về trễ đến vậy.
Nếu có bạn trẻ nào muốn sang Singapore làm việc thì họ nên có những kỹ năng gì? Tìm kiếm thông tin tuyển dụng qua kênh nào? Anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của mình?
Truớc hết, các bạn phải đảm bảo có kỹ năng tiếng Anh thật tốt. Khi mình phỏng vấn qua Skype lần đầu tiên, managers hiện giờ của mình đã nói là họ không hiểu những ứng viên khác nói gì.
Thứ hai, cũng như khi phỏng vấn ở các công ty khác, bạn phải chứng minh được mình có kỹ năng tốt và phù hợp với công việc họ đang cần. Ngoài ra, việc phỏng vấn online đòi hỏi mình phải chứng minh một cách rõ ràng rằng mình giỏi hơn những ứng viên khác. Để làm được điều đó, hãy xây dựng cho mình một profile online tốt bằng cách:
Dựa vào các thông tin bạn đưa ra, nhà tuyển dụng sẽ hiểu được bạn giỏi thật hay không. Thay vì chỉ nói suông tôi làm được điều này điều kia. Mình chọn cách cho họ thấy những gì mình có thể làm được thông qua thực tế.
Về thông tin tuyển dụng thì các bạn tìm đến các website tìm việc như VietnamWorks, JobStreet… Nhưng hiện nay Linkedin.com cũng là một nguồn rất quan trọng để tìm việc. Và quan trọng hơn hết, hãy tránh xa Facebook nếu bạn không muốn nhà tuyển dụng từ chối bạn vì thấy nội dung bạn đã like, comments.
Anh đã dành gần 2 năm trời để tạo ra các video dạy lập trình C/C++ đăng lên YouTube, sau đó anh lập ra diễn đàn DayNhauHoc.com để hướng dẫn cho các bạn sinh viên. Mục đích của anh trong những hoạt động này là gì?
Mình đã từng phân vân không biết nên chọn Sư Phạm hay CNTT vì mình rất thích dạy học. Và mình cũng thấy rằng mình có khiếu dạy học nữa (cười). Tuy nhiên cuối cùng mình chọn CNTT vì mình nghĩ học CNTT có nhiều thách thức hơn đi dạy.
Qua 2 năm đi làm, đam mê dạy học lại trỗi dậy. Đồng thời, quá trình học lập trình của mình chủ yếu tự học là chính. Trong những năm sinh viên, mình đã nghiên cứu mọi cách để có thể tự học tốt hơn vì mình là loại sinh viên lười đến lớp. Nhiều bạn của mình cứ hay nói đùa “tới ngày thi mới thấy mặt mày” hoặc “ủa mày có học lớp này à”. Mình không khuyến khích việc lười đến lớp nhé.
Mình phát hiện ra rằng có nhiều tài liệu viết rất tốt, nhưng tự học theo những tài liệu này cũng rất khó. Trong khi mình lại có khả năng giải thích tương đối ổn, thế là mình quyết định làm videos dạy lập trình. Lúc đó, mình chỉ hy vọng là các videos của mình có thể giúp được ai đó lười đến lớp như mình ngày xưa. Nhưng không ngờ chỉ sau một thời gian mình đã được rất nhiều bạn ủng hộ, nhiều bạn sinh viên hỏi mình làm thêm videos. Thế nên mình cứ tiếp tục làm videos thôi và mình sẽ làm nữa, làm đến khi nào hết kiến thức thì thôi.
Việc lập diễn đàn DayNhauHoc.com là một quá trình dài, bắt đầu từ việc mình đau đầu với việc trả lời các câu hỏi liên quan đến lập trình. Bởi vì thời gian của mỗi người là có giới hạn và mình cũng không đủ kiến thức để trả lời mọi câu hỏi. Bên cạnh đó, sau khi tìm hiểu các diễn đàn thảo luận về lập trình ở Việt Nam, mình phát hiện ra mọi người không thảo luận lập trình nghiêm túc hoặc không có người quản lý, hướng dẫn sinh viên cách đặt câu hỏi.
Các câu hỏi mình thường gặp là các câu hỏi liên quan tới bài tập. Nhưng vấn đề là các bạn sinh viên chỉ đăng bài tập lên và chờ người khác giải giúp cho. Theo mình, đó không phải là cách học tốt. Cách học tốt là cách mà StackOveflow đã làm, đó là hỏi cụ thể một vấn đề kỹ thuật mình đang thắc mắc.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì khó khăn về mặt ngôn ngữ nên các bạn sinh viên không thể hỏi trên StackOveflow. Đồng thời, StackOverflow là dành cho lập trình viên chuyên nghiệp. Sinh viên cần thảo luận để hiểu được vấn đề một cách cụ thể hơn. Từ đó, Đạt nghĩ mình phải làm một cái gì đó và DayNhauHoc.com ra đời.
DayNhauHoc.com hiện giờ đang trong giai đoạn trứng nước, sẽ phải mất nhiều thời gian nữa để “hướng dẫn” người dùng hiểu cách đặt câu hỏi, cách tương tác một cách lịch sự và tôn trọng lẫn nhau. Điểm đặc biệt là diễn đàn DNH là sử dụng mã nguồn mở Discourse. Discourse cho phép thành viên này sửa bài cho thành viên khác như StackOverflow. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các thành viên có kinh nghiệm giúp đỡ thành viên mới trong cách đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi. Việc xây dựng một cộng đồng chuyên nghiệp là một thách thức lớn, nhưng cứ chờ xem liệu 5 năm nữa, một thế hệ lập trình viên trẻ có thay đổi được điều gì không.
Anh có kế hoạch gì trong việc phát triển cộng đồng DayNhauHoc.com trong tương lai?
Trong tương lai gần, cái mà mình quan tâm nhất chính là xây dựng một cộng đồng chất lượng. Mình cần số lượng, nhưng mình còn cần chất lượng hơn. Các bạn sinh viên phải hiểu được cách đặt câu hỏi như thế nào là phù hợp. Ví dụ:
  • Tiêu đề phải cụ thể, rõ ràng, nêu được vấn đề cần hỏi
  • Nội dung phải giải thích được khúc mắc mình đang vướng phải
  • Câu trả lời phải đầy đủ, súc tích và mang tính xây dựng
Bước tiếp theo, khi cộng đồng đã vững và có đủ người, thì mình muốn hướng các bạn sinh viên bắt đầu làm các dự án Open Source ngay từ giai đoạn sinh viên. Việc này giúp ích rất nhiều, vì nó vừa cho các bạn kinh nghiệm, kiến thức và cơ hội cạnh tranh khi ra trường. Tham gia làm hướng dẫn, tổng kết kiến thức cho các sinh viên khác theo sau có điều kiện học tập tốt hơn. Hiện nay diễn đàn đã và đang là nơi mình và các lập trình viên khác chia sẻ videos, bài giảng, hướng dẫn.
Mình cũng muốn thực hiện các cuộc thi, xin tài trợ cho các dự án mà sinh viên hoặc người tự học đang thực hiện. Việc tài trợ này hướng đến việc học lập trình một cách nghiêm túc hơn.
Đồng thời mình cũng liên kết với các công ty tuyển dụng để nhằm giới thiệu những ứng viên chất lượng cao. Hiện nay, mình đã tìm cách liên hệ với các công ty để tìm kiếm công việc thực tập cho các bạn sinh viên. Cái khó là chưa tìm được các bạn thực sự có năng lực hoặc các bạn có năng lực lại chưa có nhu cầu.
Và như mình đã nói nửa đùa nửa thật rằng, việc đầu tiên là xây dựng DayNhauHoc.com thành một diễn đàn lập trình chuyên nghiệp. DNH sẽ hướng các bạn sinh viên đặt câu hỏi, trả lời và thảo luận có chất lượng. Các trả lời này sẽ là công cụ tốt nhất để chứng minh với nhà tuyển dụng rằng “Tôi làm được, tôi có khả năng và tôi hiểu tôi đang nói/làm cái gì”.
Nếu được đưa ra một lời khuyên cho các bạn trẻ đang theo đuổi ngành CNTT thì anh sẽ nói gì?
Câu này thì mình xin trả lời ngắn gọn:
Hãy học tiếng Anh thật giỏi và hãy giúp đỡ người khác học lập trình bằng mọi cách. Bởi vì cho đi chính là nhận lại, dạy chính là học.
Cảm ơn anh đã tham gia phỏng vấn và cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho độc giả của VinaCode. Chúc anh thành công với các kế hoạch phía trước.
Cảm ơn VinaCode.

No comments:

Post a Comment