Saturday, February 3, 2018

Hãy tích cực viết blog để chia sẻ kinh nghiệm lập trình – Phỏng vấn anh Trịnh Minh Cường Techmaster

“Hãy tích cực viết blog để chia sẻ kinh nghiệm lập trình. Vừa để ghi nhớ lại kinh nghiệm đã trải qua, vừa tạo profile tốt rất cần khi đi xin việc.” ~ Trịnh Minh Cường
Anh Trịnh Minh Cường
Anh Trịnh Minh Cường
Cùng đọc bài phỏng vấn của blog Vinacode với anh Trịnh Minh Cường, là một developer có trên 20 năm kinh nghiệm lập trình và từng giữ rất nhiều vị trí quan trọng tại các công ty phần mềm lớn ở Việt Nam như Fujitsu, Trivision, HarveyNash, Microsoft… Hiện tại anh đang là giám đốc kỹ thuật và đồng thời là giảng viên tại Trung tâm đào tạo lập trình TechMaster do chính anh thành lập; để nghe anh chia sẻ về:
  • Lý do tại sao anh lại quyết định rời Microsoft Vietnam để thành lập Trung tâm đào tạo lập trình TechMaster
  • Chia sẻ về những ngày đầu gian khó của TechMaster và những thành quả hiện tại đã đạt được.
  • Các hoạt động ngoài công việc giảng dạy của TechMaster như làm sản phẩm mobile, web, freelancer, open source…
  • Quan điểm về vấn đề tuổi tác trong nghề phát triển phần mềm và xu hướng CNTT trong tương lai.
  • Những lời khuyên bổ ích dành cho các bạn trẻ đang theo đuổi ngành CNTT

Chào anh Trịnh Minh Cường, anh có thể giới thiệu với độc giả blog Vinacode đôi chút về background IT của mình?
Chào các bạn độc giả Vinacode, thực ra nói về bằng cấp chính thức ngành tin học thì mình không có. Năm lớp 11 (1990) là lần đầu tiên mình được tiếp xúc với máy tính qua một câu lạc bộ tin học ở trường. Khi đó mình chỉ được học vài lệnh format ổ đĩa mềm, dir thư mục trên máy tính 286 do Pháp tài trợ. Màn hình đen sì, chữ xanh nhìn chẳng thấy hay ho gì cả. Sau đó mình có được học lập trình Pascal, nhưng hình thức là viết chương trình trên giấy rồi nộp cho thầy giáo. Cả lớp mình chỉ có duy nhất một bạn nữ viết được lệnh trên giấy chính xác, khi gõ lại trên máy chạy được. Hồi đó mình không thấy tin học thú vị, mà thấy nó rất cứng nhắc. Ứng dụng có ích đầu tiên (1993) của mình một phần mềm trên Pascal có thể chọn ra tổ hợp lắp ghép bánh răng cho máy tiện, để tiện được các bước răng khác nhau. Nhà mình có một xưởng cơ khí tiện. Mặc dù ứng dụng của mình viết ra rất xấu, không có giao diện nhưng nó giúp xưởng cơ khí tiện được rất nhiều loại ốc vít hệ mét và hệ inch, kết quả là khiến cho doanh số tăng lên. Từ đó, mình luôn sử dụng tin học để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có ích, khách hàng có thể dùng được và để cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Hiện nay mình vẫn lập trình hàng ngày. Ngôn ngữ sử dụng là Objective-C/Swift, Bash script (Linux), JavaScript (Node.js). Mình có rất nhiều khách hàng. Ngoài những khách hàng quốc tế, thỉnh thoảng vẫn có khách hàng là học trò cũ hoặc nhân viên cũ của mình nay đã mở công ty. Lập trình là nghề có thu nhập khá tốt, thậm chí tốt hơn nhiều so với các ngành nghề kỹ thuật khác.
Được biết anh từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại các công ty phần mềm lớn ở Việt Nam như Fujitsu, Trivision, HarveyNash, Microsoft… nhưng sau đó anh lại tách ra để thành lập Trung tâm đào tạo lập trình viên TechMaster. Anh có thể cho độc giả biết rõ hơn về quyết định này của mình?
Năm 2008-2011, mình làm ở Microsoft Việt Nam. Mình có phụ trách một trung tâm có tên là Microsoft Innovation Center hợp tác giữa Microsoft và Viện Công Nghệ Thông Tin có trụ sở ở đường Hoàng Quốc Việt. Về mục tiêu và ý nghĩa của trung tâm thì rất tốt. Ngân sách Microsoft tài trợ ban đầu cũng không nhỏ. Phòng máy thực hành, máy trạm – máy chủ có thể nói là ước mơ. Tuy nhiên do cơ chế cứng nhắc, thiếu sáng tạo mà trung tâm này hoạt động không được hiệu quả. Mình đã đề xuất một số sáng kiến như là trả lương (thù lao) cho các chuyên gia ở trung tâm cao hơn, nhưng phải làm ra sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể đo đếm được; thay vì chỉ ngồi chờ tài trợ từ tập đoàn Microsoft thì trung tâm phải chuyển sang đào tạo thu phí, tư vấn công nghệ và vườn ươm các sản phẩm, giải pháp công nghệ. Một số việc mình đề ra đã thực hiện được, nhưng phần lớn là thất bại 😀
Những anh em nào đã từng đến hội thảo Microsoft thời kỳ 2008-2011 đều thích thú vì mình và các anh em cộng sự nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực sự để chia sẻ và giới thiệu cho cộng đồng. Lương và đãi ngộ ở Microsoft rất tốt, nhưng mình quyết định nghỉ vì mình tin rằng nếu mình thực sự tạo ra một trung tâm CNTT như mình đã đề xuất trước đây ở Microsoft Innovation Center thì sẽ làm được một số việc sau:
  • Đào tạo, cập nhật kỹ năng và công nghệ cần thiết cho lập trình viên tham gia vào dự án.
  • Giảm thiểu tình trạng thiếu lập trình viên có kinh nghiệm, và khi có dự án thì các công ty cứ phải đi săn người của nhau.
  • Tạo công ăn việc làm cho những lập trình viên thực sự giỏi. Họ sẽ là những giảng viên giàu kinh nghiệm thực tế; khác xa so với cách mà các giảng viên đại học đang dạy hiện nay là cứng nhắc, thụ động và thiếu sự cạnh tranh.
  • Áp dụng mô hình giáo dục linh hoạt: giảng viên, học viên có thể tự do dạy – học miễn làm sao: học viên lập trình ra được sản phẩm, tỷ lệ xin được việc cao. Sau khi học ở Techmaster, học viên có thể chủ động tự học tiếp và học mãi.
Mình không nói là Techmaster đã làm hết được những điều kể trên. Việc cải tiến, nâng cao chất lượng và sáng tạo ở Techmaster là một quá trình liên tục không có điểm dừng, không được phép dừng.
Thực ra khi quyết định nghỉ việc ở Microsoft thì mình cũng đã phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu mở trung tâm không được, startup thất bại, thì mình lại đi làm thuê, lập trình. Làm chủ hay đi làm thuê, cứ được lập trình ra sản phẩm mới là hạnh phúc rồi.
Anh Cường đang truyền đạt kiến thức cho các học viên trong một buổi học tại trung tâm TechMasterAnh Cường đang truyền đạt kiến thức cho các học viên trong một buổi học tại trung tâm TechMaster
Hiện tại thì TechMaster đã là một thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực đào tạo lập trình viên tại Hà Nội. Anh có thể chia sẻ một số thông tin về hoạt động của TechMaster và những thành quả đã đạt được? Liệu anh có kế hoạch để nhân rộng TechMaster thành nhiều trung tâm tại các thành phố lớn ở Việt Nam hoặc là trở thành một trường đào tạo lập trình trực tuyến không thưa anh?
Khi mình nghỉ việc ở Microsoft vào tháng 11/2011, vợ chồng mình đang nợ ngân hàng một khoản tiền vì lúc đó có mua một căn hộ chung cư. Do đó mình chỉ có 1 tháng lương cuối để làm vốn, số tiền đó không đủ để mua vài dàn máy tính. Mình tự thiết kế lại phòng bếp làm phòng học và thuê gia công bàn ghế vừa rẻ lại vừa gọn đúng kích thước phòng bếp nhà mình. Lúc đó mình cũng chưa có khách hàng nào cả. Nhiều khách hàng trước kia khi mình đến gặp thì họ không thuê mình đào tạo, tư vấn vì mình không còn làm ở Microsoft nữa. 😀 Mình lại đi code thuê và tư vấn giải pháp cho một dự án gia công làm sàn giao dịch bất động sản ở Mỹ. Tình cờ, anh Ích Vinh ở Tinh Vân đang cần xây dựng một đội làm mobile Apple iOS. Anh Vinh hỏi mình có thể dạy ngay được không? Mình đang rất cần tiền nên nhận luôn. Khi đó mình code iOS mỗi ngày từ 10-12 tiếng tập trung liên tục để đủ kiến thức dạy. Trước đó mình có kinh nghiệm code C/C++ nhiều năm nên việc chuyển qua Objective-C khá dễ dàng. Hiện giờ anh em học viên khóa 1 đã là những lập trình viên iOS rất kinh nghiệm, một người sang Mỹ onsite, vài người làm startup, vài người làm cho công ty Pháp, Nhật ở Việt Nam. Công ty Add-On (Đan Mạch) và Fsoft cũng là những khách hàng đầu tiên của Techmaster. Đến giờ họ vẫn cử người đi học bên mình đều đặn hoặc tuyển dụng học viên tốt của Techmaster.
Hiện nay Techmaster có 2 trung tâm – 4 phòng lab – 6 giảng viên, đều do mình trực tiếp quản lý. Lương giảng viên bên mình từ 800,000 VNĐ/1 buổi ba tiếng. Hiện Techmaster đang rất cần thêm giảng viên giỏi C/C++, lập trình nhúng, Microsoft .NET, PHP… Anh em nào quan tâm thì có thể liên hệ với mình.
Trung tâm sử dụng hệ thống HD Camera tại các phòng lab để có thể liên tục dự giờ các lớp, kịp thời điều chỉnh cách dạy giáo trình để học viên có lợi nhất. Khách hàng của mình thì đã có đủ hết các công ty làm tin học lớn nhỏ ở Hà Nội. Mình không quảng cáo trên báo, không tờ rơi, cũng không đến từng công ty tiếp thị gì cả, mình cũng ít đến các buổi giao lưu vì thời gian code và học công nghệ mới lúc nào cũng bị thiếu. Mình chủ yếu tập trung code ví dụ mẫu, viết blog chia sẻ và nâng cấp trải nghiệm học tập tại Techmaster.
Techmaster sẽ không mở ở các thành phố khác và cũng không nhượng quyền cho bất kỳ đối tác nào khác. Vì mình không tin là mình có thể đảm bảo được chất lượng đào tạo khi vận hành quá nhiều trung tâm một lúc. Techmaster chỉ dạy những công nghệ thực sự có nhu cầu việc làm rất cao, bên mình nắm rất tốt về công nghệ đó, có rất nhiều mã nguồn ví dụ thực tế… Giáo trình của Techmaster không cứng nhắc mà nó cập nhật hằng ngày theo yêu cầu của học viên, hoặc theo phiên bản mới ra mắt như Apple iOS, Google Android…
Về việc đào tạo trực tuyến: Techmaster đã áp dụng mô hình đào tạo lai ghép giữa trực tiếp trong phòng lab + trực tuyến. Ngoài 2 buổi, mỗi buổi 3 tiếng hàng tuần. Học viên có thể trao đổi, hỏi, chat riêng hoặc công khai theo nhóm làm với giảng viên và các bạn khác. Trong năm 2015, các lớp học Node.js và iOS sẽ học 1 buổi phòng lab trao đổi trực tiếp với giảng viên, thời gian còn lại học viên xem video bài giảng được ghi sẵn. Giảng viên và học viên đều lựa chọn học và code ở phòng lab, tuy nhiên việc tự học qua mạng sẽ giúp học viên ôn lại những kỹ năng mà có nhiều bước phức tạp, và có thể chủ động hơn về mặt thời gian…
Anh Cường chụp hình lưu niệm với các học viên vừa mới tốt nghiệp tại TechMasterAnh Cường chụp hình lưu niệm với các học viên vừa mới tốt nghiệp tại TechMaster
Được biết ngoài các hoạt động chính là giảng dạy thì anh và các giảng viên tại TechMaster còn viết ra một số sản phẩm dành cho thiết bị di động, đồng thời tham gia làm một số dự án freelancer và Open Source. Anh có thể chia sẻ cho độc giả biết thêm về những hoạt động thú vị này?
Sản phẩm Radio Cast của TechMaster
Sản phẩm Radio Cast của TechMaster
Nếu chỉ dạy lập trình không mà không tự lập trình thì chắc chắn mình không dạy. Vì như thế thì rất buồn tẻ và chỉ là lý thuyết suông. Techmaster có một đội lập trình viên. Toàn bộ thành viên đều do Techmaster đào tạo. Đội mình lập trình ứng dụng di động và website doanh nghiệp. Công việc của đội mình thường làm khoảng 70% công đoạn. Phần thiết kế giao diện (đôi khi) và marketing (100%) do khách hàng lo. Khách hàng chủ yếu từ Mỹ, Úc, Newzealand, ngoài ra có cả Đức, Malaysia, Singapore. Mình thích làm với khách hàng Mỹ nhất, vì tiền nong lúc nào cũng sòng phẳng, bonus hoành tráng. Khách hàng Úc chơi cũng đẹp và lịch sự.
Đội mình lập trình một số ứng dụng iOS như là:
Trong thời gian này, đội mình đang phát triển một framework CMS trên nền Express, Node.js. Framework này hiện đang vận hành rất ổn cho web site http://techmaster.vn. Team mình liên tục bổ sung các chức năng cho framework để vừa phục vụ cho chính hoạt động đào tạo tại Techmaster và còn để kiểm tra chất lượng của framework. Trong tháng 5/2015, mình dự kiến sẽ mở mã nguồn framework này. Việc khó còn lại là viết mã để tự động hóa quá trình cài đặt, làm sao cho nó chạy được trên nhiều hệ điều hành Linux (Ubuntu, CentOS, RedHat), Mac, Windows. Tốt nhất là chỉ mất 5 phút toàn bộ hệ thống sẽ tự cài đặt và có giao diện trực quan qua web để người dùng theo dõi tiến trình, lỗi phát sinh, dễ dàng xử lý. Tốc độ xử lý request của framework này nhanh hơn nhiều so với WordPress, và chạy ngang ngửa với tốc độ của Phalcon 2.0
Hiện nay nhiều bạn trẻ thường có quan niệm chỉ làm lập trình viên đến 30 tuổi, sau đó nếu không lên được vị trí quản lý thì tìm cách chuyển sang nghề khác. Là một lập trình viên có thâm niên trên 20 năm trong nghề thì quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào? Liệu có lúc nào anh cảm thấy gánh nặng tuổi tác trong công việc của mình?
Mình không hiểu các bạn trẻ nghĩ gì mà lại chỉ làm lập trình đến 30 tuổi. Vì tuổi trung bình tốt nghiệp đại học đã là 22 tuổi rồi. Mất 5 năm nữa để có kỹ năng lập trình tạm ổn và có chút kinh nghiệm thì đã đến 27 tuổi. Sau đó lập trình thêm 3 năm rồi lên làm quản lý hoặc chuyển sang nghề khác thì đúng là quá phí phạm. Việc quản lý dự án hiện nay phổ biến theo mô hình agile, scrum cần có những team lead vừa giỏi công nghệ, mềm dẻo, linh hoạt, chưa kể dự án luôn kết hợp nhiều công nghệ khác nhau như: web – mobile – cloud… Người quản lý dự án sẽ phải đưa ra rất nhiều quyết định trong một thời gian ngắn. Do đó nếu ngừng lập trình thì kiến thức kỹ thuật sẽ rất cảm tính, dựa theo số đông, dựa vào những bài viết trên Internet, dựa vào kinh nghiệm đã cũ, dự án có thể vẫn hoàn thành nhưng chất lượng ở mức trung bình.
Việc bán hàng (sales) hoặc làm các ngành nghề khác thực ra khó hơn, áp lực hơn lập trình rất nhiều. Mình gặp nhiều bạn có ý nghĩ như trên, sau một thời gian bán hàng, hoặc làm các nghề khác thì đã phải quay lại Techmaster học lập trình khi tuổi đã ngoài 30.
Ngôn ngữ lập trình có nhiều điểm giống, và đơn giản hơn ngôn ngữ tự nhiên. Techmaster có kinh nghiệm sư phạm và đam mê để đào tạo những bạn tuổi ngoài 30 vẫn có thể học lập trình, xin được việc và tạo ra được sản phẩm cụ thể. Cần nhất ở các bạn là sự kiên trì, lòng đam mê, mỗi ngày tiến bộ một ít thì sẽ thành công.
Mình sinh năm 1975, năm nay đã tròn 40 tuổi nhưng chưa hề thấy có dấu hiệu nào về tuổi tác trong công việc kỹ thuật. Quan trọng code là niềm vui và vẫn giúp kiếm tiền rất tốt. Việc làm ra sản phẩm, có khách hàng, có tiền từ tin học thì hạnh phúc nào sánh nổi. 😀
Có ý kiến cho rằng “CNTT và nông nghiệp là tương lai của kinh tế Việt Nam”, quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào? Và được biết anh cũng có ý định lấn sân sang làm cả lĩnh vực nông nghiệp. Liệu có phải anh đang chạy theo phong trào? Hay là anh đã hết đam mê với CNTT rồi?
Thực ra CNTT và nông nghiệp Việt Nam hiện nay đều yếu cả. Nhưng các ngành khác như điện tử, cơ khí, hóa chất, tự động hóa, y tế, giáo dục còn bết bát hơn.
Trung tâm Techmaster có một số lượng rất lớn học viên từ nông thôn lên Hà Nội, cần học lập trình để đi làm. Họ đã mất 5 năm học đại học khá tốn kém ở thủ đô (so với thu nhập của gia đình ở nông thôn), sau đó lại mất 4-6 tháng học thêm ở Techmaster nữa để thu được kinh nghiệm khi đi xin việc. Các bạn đã trải qua những vất vả không phải là nhỏ, và gặp phải sự cạnh tranh cũng rất lớn.
Nếu nông nghiệp là tương lai của kinh tế Việt Nam thì tại sao họ không ở nông thôn để làm nông nghiệp? Sau đây là một số ý kiến mà mình đã tổng hợp được từ các bạn học viên đó:
  • Làm nông nghiệp khó sống lắm anh ạ. Chả biết làm gì? Bán cái gì ra tiền?
  • Bố mẹ em phải bán đất cho anh em lên Hà Nội học đấy. Các cụ già, cũng không làm nông nghiệp nữa anh ạ. Vất vả lắm.
  • Em không muốn về làm nông vì từ bé bố mẹ làm hộ hết để em chỉ tập trung học đại học.
Có hai thực tế là:
  1. Thanh niên từ nông thôn thường ra thành phố kiếm việc hoặc đi xuất khẩu lao động. Nếu họ ở lại làm nông nghiệp theo tư duy, cách làm cũ thì cũng không có đột phá gì cả.
  2. Người có tiền ở thành phố sẽ về nông thôn mua lại đất đai để đầu cơ mua đi bán lại. Nhưng sau khi sốt đất hạ nhiệt, thì những mảnh đất này bị bỏ hoang rất lãng phí hoặc là họ lại chia nhỏ ra rồi tiếp tục bán cho người khác để thu hồi vốn. Trong khi đó ở Israel, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc thì nền nông nghiệp đã tiến rất xa. Một nông dân có thể tạo ra nông phẩm cho trên 100 người sử dụng.
Mình ủng hộ các công ty có tích lũy tài chính tốt chuyển sang làm nông nghiệp. Phải có tiền, có kỹ thuật, có nhân lực, có quy trình, có marketing, sales bài bản mới có thể sử dụng hiệu quả ruộng đất đang bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Ban đầu không dễ dàng, có thể thất bại, nhưng mình tin chắc chắn họ sẽ thành công.
Năm 2009-2011, mình là người đầu tiên từng nhập và nhân giống dòng chó chăn cừu Bỉ, Belgian Malinois. Hiện nay Malinois được dùng để làm chó canh gác, bảo vệ còn phổ biến hơn cả German Shepherd (Béc giê Đức) tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc.
Trong vòng 10 năm tới, mình sẽ làm một trang trại nhỏ, trồng rất nhiều cây, có ao cá, nuôi vài con chó, gà, dê, thỏ, ngựa, không phải để kinh doanh mà để tận hưởng cuộc sống. Mình sẽ rủ bạn bè, nhân viên, học viên cũ đến chơi. Lúc này thì Internet, điện đã phổ biến ở những vùng xa rồi, ngồi ở đâu mà chẳng làm tin học được.
Nếu được đưa ra một lời khuyên cho các bạn trẻ đang theo đuổi ngành CNTT thì anh sẽ nói gì?
  • Hãy chơi thể thao ít nhất 1 tiếng mỗi ngày: bơi – chạy – bóng bàn – bóng đá – võ thuật… Ngồi máy tính nhiều dễ bị các bệnh nghề nghiệp như: trĩ, vô sinh, tim mạch.
  • Hãy sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Thêm một giờ tập trung code, bạn sẽ kiếm thêm tối thiểu 3 triệu VNĐ/tháng.
  • Cám dỗ và thú vui thì rất nhiều, mà thời gian thì lại có hạn. Bởi vậy để trở thành một chuyên gia tin học thực sự và không bị lạc hậu thì bạn sẽ phải hy sinh nhiều thứ. Cá nhân mình không bao giờ xem TV, không đi nhậu lai rai, tránh những buổi tiệc tùng… để có thêm thời gian cho công việc chuyên môn.
  • Hãy tích cực viết blog để chia sẻ kinh nghiệm lập trình. Vừa để ghi nhớ lại kinh nghiệm đã trải qua, vừa tạo profile tốt rất cần khi đi xin việc.
  • Copy những quyển ebook tin học hay vào máy tính bảng để tranh thủ đọc. Kiến thức sẽ bán được nếu kiến thức đó đã qua trải nghiệm thực sự. Do đó đọc xong phải lập trình thử luôn.
  • Viết và tham gia một dự án mã nguồn mở trên GitHub hoặc trả lời trên StackOverflow, trao đổi trên Quora.
  • Tích cực tìm kiếm bạn gái: tình yêu và sự lãng mạn là điều rất tốt cho lập trình và các công việc mang tính sáng tạo.
Cảm ơn anh đã tham gia phỏng vấn và cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho độc giả của VinaCode. Chúc anh và Techmaster thành công với các kế hoạch sắp tới.
Cảm ơn VinaCode.
Bạn có thể đọc thêm các bài viết rất hữu ích của anh Trịnh Minh Cường về các công nghệ lập trình đang “hot” hiện nay như iOS, Android, Ruby on Rails, Node.js, PHP Phalcon… và những quan điểm về ngành phát triển phần mềm trên blog http://techmaster.vn, hoặc có thể liên hệ với anh qua Facebook, Google+ hay qua email cuong[at]techmaster.vn

No comments:

Post a Comment